Nông nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Đinh

Nước Đại Cồ Việt thời Đinh cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Ý thức về quyền tập trung của nhà nước quân chủ dẫn đến sự hình thành quan niệm về quyền sở hữu tối cao của nhà vua đối với ruộng đất trong nước[2]. Phần lớn ruộng đất ở làng xã trong cả nước thuộc về triều đình, do triều đình sở hữu[3][4].

Lê Văn Siêu cho rằng loạn 12 sứ quân mở ra một thiện quả có lợi cho nông nghiệp phát triển. Đó là sự lan tỏa của nông dân đi tới những vùng đất hoang. Loạn lạc khiến những người nông dân không thể chỉ bám lấy đất tổ tiên mà phải di cư đi tới những vùng đất mới và mở mang ruộng mới, khiến đất hoang thời Đinh được mở mang nhiều hơn so với trước.[5]

Ruộng công

Kế tục nhà Ngô, nhà Đinh tiếp tục ban thực ấp cho các quan lại công thần, như Trần Lãm ở trang Lạc Đạo (Nam Định), Nguyễn Tấn ở Ẩn La (Nam Định), Phạm Hán, Phạm Phổ ở Bình Lục (Hà Nam), Lê Lương ở Ái châu (Thanh Hóa)[6][7].

Tuy nhiên, chế độ phân phong thời Đinh chỉ là tạm thời, người được phong không trở thành địa chủ sở hữu tư nhân ruộng đất tại đó. Đất phong là đơn vị hành chính mà người được phong là quan chức hưởng tô thuế trong vùng, coi như một thứ lương bổng; số lương bổng này lẽ ra lấy từ kho của triều đình thì người nhận phong hưởng do các công xã nộp trực tiếp, sau khi họ qua đời toàn bộ ruộng đất trả về triều đình[8].

Những ruộng đất ở làng xã và ruộng mới hình thành do khai hoang, nhân dân theo tập tục chia ruộng đều cho nhau cày cấy và nộp thuế cho triều đình[2].

Ruộng nhà chùa

Do sự đóng góp nhất định của tầng lớp tăng đạo đối với đất nước, họ cũng được vua Đinh cấp cho ruộng đất. Nhà chùa cũng sở hữu một số đất đai và trở thành một đơn vị kinh tế thời phong kiến[3][7].

Ruộng tư

Một số trang trại hình thành từ thời Bắc thuộc do con cháu các quan lại người phương Bắc được triều đình trung ương cho phép tồn tại, thuộc quyền sở hữu tư nhân. Chính sách thông thoáng về thương mại góp phần thúc đẩy chế độ tư hữu ruộng đất và xuất hiện việc mua bán ruộng đất[3]. Sự phát triển của nhà Đinh từng bước giải thể phương thức sản xuất châu Á thời cổ đại và tiếp tục thúc đẩy quá trình phong kiến hóa nền kinh tế - xã hội nước Đại Cồ Việt, giúp đời sống nhân dân đi vào ổn định.[9]